Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

Ba người thầy vĩ đại




"Trí tuệ không phải là trí tuệ nếu chỉ được rút ra từ sách vở"  Horace.

Khi Hassan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi ông:
"Thưa Hassan, ai là thầy của ngài?".
Hassan đáp: "Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta. 

Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: "Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với tên trộm".
Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: "Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!" Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: "Có trộm được gì không?" và ông ta đều đáp: "Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ." Ta chưa bao giờ thầy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc. Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hàng đêm vẫn quả quyết: "Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!".

Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gởi đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ hãi trong lòng bằng hành động. 

Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến đã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: "Con tự thắp sáng cây nến này phải không?" Đứa bé đáp: "Thưa phải." Đoạn ta hỏi: "Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một
thóang sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?".

Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: "Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?". Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. 



Và từ đó ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình. Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật. Người thầy là người thông qua đó ta bắt đầu học cách học hỏi.

Vu Trong Tan - st
»» xem thêm

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

30.4 bàn về Hòa và Đồng


Tính thói thông thường của người đời là nghe nói hùa theo ý mình thì vui, nghe nói trái với ý mình thì giận. Nhiều người thích vui hơn là chịu nuốt hận khi ai phê bình, nên chỉ thích nghe lời nói theo ý mình, mặc kệ những điều nghe được đúng hay sai, hợp lý hay trái đạo.
Người quân tử, vốn quan niệm “chê ta mà chê đúng là thầy của ta, khen ta mà khen bậy là kẻ thù của ta”. Nghe lời chỉ trích đúng, mừng còn hơn bắt được của.
Kẻ tiểu nhân không như vậy, nghe một lời dua nịnh, khen bậy, vuốt đuôi, mặt vui hớn hở, coi người nói như tri kỷ, nhưng thực ra chỉ là nhất thời vì quyền lợi. “Hết cơm hết gạo, hết ông tôi”
Vì thế, tiếng nói đối lập, không cùng chung với mình, là những “thế lực thù địch”, “không theo ta là chống lại ta”.

Giai thoại người xưa

Sách tả truyện có chép lại một giai thoại để cho thấy cái khác nhau giữa kẻ tiểu nhân và người quân tử.
Vua Tề Cảnh Công đi săn ở ấp Bái, cho người cầm một chiếc cung gọi viên quan Ngu Nhơn tới hầu. Ngu Nhơn không tới. Cảnh công sai bắt. Khi lính giải Ngu Nhơn tới, Cảnh Công giận dữ muốn bắt tội. Ngu Nhơn thưa:
- Xưa tiên quân đi săn, cho cầm cờ triệu Đại Phu, cầm cung gọi Sĩ Quan, cầm mũ chiến gọi Ngu Nhơn. Thần không thấy mũ chiến, không dám tới.
Cảnh Công thấy Ngu Nhơn nói đúng lẽ, phải tha.
Khi đi săn về, Cảnh Công cùng Tướng Quốc Yến Anh ngồi trên đài. Xa xa có quan đại phu Lương Khâu Cứ đang vội vàng đi tới.
Cảnh Công nói:
- Nội trong triều chỉ có Lương Khâu Cứ là hoà hợp với Trẩm.
Yến Anh nói:
- Lương Khấu Cứ chỉ “Đồng” với Bệ Hạ, chớ không  “Hòa” với Bệ Hạ.
Cảnh Công hỏi:
- Hoà với Đồng khác nhau ư?
Yến Anh đáp:
- Khác chứ. Hoà thì như là bát canh. Các thứ thịt, cá, rau, muối, dấm, nước đúng cân đúng lượng, hoà hợp với nhau, ăn vào mát ruột. Đạo vua tôi cũng vậy. Trong một việc, Vua cho là phải, nếu có phần nào chưa phải, tôi cần sửa ngay. Vua cho là trái, có phần nào phải, tôi cần biết ngay. Có như thế, chính trị mới công bằng, dân mới không thấy có cái gì trái.
Tề Cảnh Công. Ảnh: internet
Quan Tướng Quốc Yến Anh còn nói thêm:
- Hoà cũng như là tiếng nhạc, năm thanh, sáu luật, phải hợp với nhau, tiếng nhạc mới hoàn hảo. Nay như Lương Khâu Cứ, điều gì Vua cho là phải, y liền tán đồng cho là phải ngay. Điều gì Vua nói là trái, cũng tán đồng cho là trái ngay. Như vậy chỉ có Đồng, chứ không phải là Hoà. Nếu canh chỉ có một chất nước mà thôi, thì sao gọi là canh; nếu đàn cầm, đàn sắt chỉ có một âm thanh, sao gọi là nhạc. Hoà khác với Đồng. Như Bệ Hạ và Lương Khâu Cứ, chỉ có Đồng mà thôi.
Hoà là đạo của người quân tử, Đồng là thói của kẻ tiểu nhân.
Khổng Tử đã nói rằng: “Quân tử Hoà nhi bất Đồng, tiểu nhân Đồng nhi bất Hoà”.
Xem như vậy người quân tử cần nghe điều đúng với lẽ phải, chân lý, hợp với đạo lý. Còn kẻ tiểu nhân, ngược lại, thích nghe những điều hợp với lỗ tai, đúng với ý thích.

Hoà và Đồng của thời nay

Người quân tử thời nay mỗi ngày một hiếm, nên chi kẻ đợi để nghe điều hay lẽ phải, để nghe những điều hợp với đạo lý, thật là khó kiếm. Còn những kẻ thích nghe những chuyện khoái cái lỗ nhỉ, mỗi ngày một nhiều, không xiết kể. Nhiều kẻ thích nghe giọng điệu vuốt đuôi, nghe riết rồi thành thói quen, hể nghe ai nói điều trái ý, lập tức đùng đùng nổi giận, cho dù rằng những điều trái ý ấy, nếu biết làm theo, sẽ ích lợi cho mình, cho công việc mình đeo đuổi biết bao nhiêu.
Ông bà ta có câu: “Cực bậy mà lại ghét người chê mình, rất dở mà lại thích người khen mình, như vậy dù muốn không dở cũng không được”.
Đã đem thân ra gánh vác việc đời, cái câu đầu tiên mà ai cũng phải học là “Nhân vô thập toàn”.
Bởi “vô thập toàn”, nên khi hành sự, tất có lúc đúng, lúc sai, có chỗ trúng, chỗ trật. Người bị mê man trong cuộc, làm sao mà sáng suốt để thấy cái sai, cái trật của mình. Muốn thấy được, ắt là phải có người đứng ngoài bảo ban, góp ý. “Nó lú, có chú nó khôn”, ông bà mình đã bảo vậy mà.
Vậy thì cớ sao, có nhiều kẻ, mình đã lú, có chú mình khôn bảo ban cho, lại không đồng ý? Chắc có điều gì ẩn ý bên trong?
Thời thế ngày nay lộn xộn, xã hội đảo điên, đại sự nào đề ra cũng đầu voi đuôi chuột, chuyện chưa xong đã xào xáo trăm bề, bên ngoài chưa thấy thành công, bên trong đã nát ngứu như tương.
Nguồn vốn vay nước ngoài mỗi năm lớn như thế, lại chỉ thòi ra được mấy cái hiệu quả vừa bé vừa nham nhở như đuôi chuột bị mèo gặm dở, còn “hiệu quả nổi bật” thì chưa hốt xong PMU18 đã thấy chình ình một bãi PCI. Chưa dọn xong PCI lại thấy lù lù một đống Vinashin…
Tình trạng đó sỡ dĩ mà có, chẳng qua vì xã hội thừa cái thói Đồng nhưng lại thiếu cái đạo Hoà, thiếu cái “công cụ” cần thiết để làm sạch xã hội.
Không phải đến bây giờ, TBT Đảng mới kêu gọi chỉnh đốn Đảng. Vấn đề này đã có từ xa xưa, nhưng Đảng càng chỉnh thì càng đốn. Trước thời kỳ đổi mới, và ngay cả hiện tại, kiểu kiểm điểm và tự phê bình cũng rất phổ thông trong các cơ quan đoàn thể kinh tế, chính trị, và xã hội.
Thế nhưng loại phê bình đó chỉ là công cụ để cai trị, công cụ để trấn áp những ai không cùng phe cánh với lãnh đạo, công cụ khai trừ những “trung ngôn nghịch nhĩ” hơn là công cụ để tìm hiểu sự thật, công cụ sửa sai, chỉnh đốn và hoàn thiện.
Cho nên không ít công dân và đảng viên lương thiện đã vì ngây thơ tin vào cái phê và tự phê, tin vào cái đạo Hoà hơn là cái thói Đồng, mà lãnh búa rìu oan nghiệt.
Nhân bàn chuyện về Hoà với Đồng, xin nhắc sơ đến cái MTTQ, một tổ chức không ít chuyện lùm xùm trong vụ bê bối Đặng Hoàng Yến mới đây.
Chức năng đúng của tổ chức “Mặt trận tổ quốc” là gì? Đó là tổ chức tổng hợp ý kiến của toàn dân, chỉ có Mặt trận mới có thể tổ chức phản biện để Đảng và Nhà nước thường xuyên nhận được phản ứng của các tầng lớp nhân dân đối với mọi chủ trương, chính sách, khen hoặc chê, đồng ý hoặc cần sửa chữa như thế nào mới hợp lòng dân, ý Đảng. Tóm lại đó là chức năng giám sát và phản biện.
Hay nói như quan Tướng Quốc Yến Anh trong tả truyện: Nếu Đảng cho là phải, nếu có phần nào chưa phải, MTTQ cần báo cáo lại để Đảng sửa ngay. Đảng cho là trái, có phần nào phải, MTTQ cần biết. Là một tổ chức đại diện cho dân mà MTTQ lại quên mất chức năng của mình, quyên mất đạo Hoà với Đồng mới sinh cớ sự, sinh lời ong tiếng ve, thật khó nghe.

Hòa hợp và Hòa giải

Hàng năm, cứ mỗi độ tháng tư về, lại rộn rã chuyện hoà hợp, hoà giải. Thế nào là hoà hợp, hoà giải?
Chấp nhận sự khác biệt. Ảnh: internet
Hoà hợp, hoà giải nghĩa là mọi thành phần dân tộc có thể cộng sinh trên tinh thần chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau. Xu thế toàn cầu hóa là hội nhập mà không tôn trọng sự khác biệt thì sao nói đến chuyện “làm bạn với tất cả”. Định làm bạn bốn phương mà ngay trong nước mình không tôn trọng lẫn nhau thì mong gì thế giới họ tiếp mình.
Hoà hợp, hoà giải chỉ có thể tồn tại và phát triển trên mảnh đất phải thật sự độc lập, tự do, công bằng, và dân chủ có nghĩa là …nó không thể sống được dù một ngày trên miền đất chỉ biết có “đồng thuận rởm”, lãnh đạo chỉ thích ngọt mà không thích đắng, chỉ thích nghe a dua nịnh bợ, chớ không thích lời thật mất lòng, không bao giờ chấp nhận quyền lợi, quyền lực của những thành phần, đảng phái khác biệt.
Cụ thể hơn, nếu không có cái đạo Hoà của người quân tử, thì chuyện hoà hợp hoà giải sẽ khó mà thực hiện được. Một xã hội thiếu cái đạo Hoà, hay cụ thể hơn nếu không có dân chủ, có thể tự sụp đổ từ bên trong, khi những mâu thuẫn nội tại tăng cao đến độ cần giải tỏa mà lại không làm gì.
Cảnh Công biết nghe lời thẳng của kẻ Ngu Nhơn nên điển lễ mới được tôn trọng, biết nghe lời phân tích của Yến Anh nên mới biết xa với Lương Khâu Cứ, nước Tề nhờ thế mà mạnh, chính sự nhờ thế mà có qui củ, dân tình nhờ thế mà ấm no, hạnh phúc.
Bài học ngày xưa của Tề Cảnh Công về Hòa và Đồng không đáng học hay sao???
Tit tuot
PQN(st)
»» xem thêm

SEXY ..... VÀ QUAY ĐẦU LẠI



Trên Facebook, một người phụ nữ chia sẻ rằng cô ấy rất thích những tấm ảnh được ai đó chụp trộm từ phía sau. Những bức ảnh sẽ cho cô ấy thấy người chụp đã nhìn mình như thế nào, khi mình không hề "diễn", khi mình đang có một phút giây lơ đễnh giữa cuộc đời... Đọc những lời tâm sự ấy, tôi đoán chắc ngay rằng người phụ nữ ấy đã hơn 35 tuổi. Vì sao bạn biết?
Bởi vì chỉ những người đã thực sự trưởng thành mới biết được giá trị của vẻ đẹp người phụ nữ khi nhìn từ phía sau. Khi bạn còn trẻ, khuôn mặt ngời sáng, đôi môi hồng hay khe ngực hun hút là đủ để cánh đàn ông quên đi tất cả.
Nhưng khi người đàn bà đã bắt đầu đứng lâu hơn trước gương, tỉ mỉ đếm những nếp nhăn bên khóe mắt, ấy là khi dù khuôn mặt họ có được khen xinh thì họ cũng không tin nữa. Khi người đàn bà đã sinh ra những đứa con, nuôi chúng lớn lên bằng dòng sữa mẹ, họ bắt đầu chọn những chiếc áo cổ cao, kín đáo.
Người phụ nữ nhìn đằng trước là người dành để trò chuyện, là người cười vui và có ánh mắt lấp lánh.

Và những phụ nữ khi đã đi qua cái thời “xinh” để đến với thời “đẹp”, họ mới thực sự… nguy hiểm.
Thường đàn ông khi đi qua một người phụ nữ thu hút họ, thì sau khi đi qua nhau, họ sẽ tiếp tục quay đầu để nhìn phía sau người phụ nữ ấy. Điều này đã được đúc kết sau rất nhiều ngày tôi ngồi đồng ở quán càphê ngoài trời, quan sát các chàng và các nàng. Đàn ông thích thứ họ nhìn thấy đằng trước và cũng sẽ tò mò nhìn xem thứ đàng sau có... ngon không. Vì vậy, nếu chị em may mắn có một vóc dáng tương đối ưa nhìn hay một khuôn mặt (đã từng) xinh ở đằng trước, thì nên tạo chút bất ngờ ở phía sau lưng.

Một đôi chân thon ẩn hiện bên trong tà váy xẻ sâu lên quá đầu gối. Một bờ lưng trần nuột nà (đến nỗi các chàng phát điên lên với vô số các dấu hỏi: cô ấy có mặc underwear không?) trong khi ở đằng trước thì kín như bưng. Còn nếu đằng trước là một vòng eo thon kín kín hở hở với áo lửng chấm rốn thì ở phía sau, hãy sẵn sàng tặng cho ánh mắt các chàng một bờ mông tròn đầy sức sống. 

Tất nhiên, đâu phải phụ nữ nào cũng có 1 thân hình chuẩn để trước sau đều đẹp, trên dưới đều cân.
Nhưng người phụ nữ nào biết mình xấu ở đâu thì đều biết cách để khắc phục điểm xấu ấy. Nếu mặc sơ mi thì cô ấy cài bớt lại một nút áo cho kín kín hở hở. Khoác áo vest vào với chân váy bút chì kiểu công sở thì phía sau cho váy xẻ tà cao lên một chút nhé, khoe đôi chân rám nắng. Mỗi bước đi đong đưa, cái làn da rám nắng ấy ẩn hiện thấp thoáng, gợi trí tò mò. Các chàng đi qua, ngoái nhìn và không thể không huýt sáo vì những đường váy xẻ táo bạo như thế. 


 Nói với các bạn những điều này, không phải tôi đang dạy bạn bí quyết của sự quyến rũ. Bởi quyến rũ là bản năng bẩm sinh, không ai dạy ai được. Tôi chỉ muốn nói rằng, hãy dành sự chăm chút và đầu tư cho từng “khu vực” tùy theo thời gian. Khi bạn hai mươi tuổi, bạn chăm sóc cho khuôn mặt. Sau tuổi 35, hãy dành toàn bộ thời gian cho phía sau lưng. Không có loại kem dưỡng da nào trả lại cho bạn khuôn mặt thơ ngây, nhưng bạn có thể tập gym chăm chỉ để có một vòng 3 vun đầy hơn cả thiếu nữ. Bạn cũng khó có thể chỉ qua tập tành mà tìm lại vòng 1 thanh tân, nhưng lại rất dễ dàng để có được một tấm lưng thon gọn, không chút mỡ thừa. Đó là những ưu thế của bạn, và hãy dùng nó làm phần thưởng cho những người đàn ông dám ngoái lại phía sau.
Giống như ngày và đêm. Người phụ nữ nhìn đằng trước là người dành để trò chuyện, là người cười vui và có ánh mắt lấp lánh. Họ là ban ngày. Người phụ nữ nhìn từ phía sau là người không hề phòng thủ hay tấn công, là người hoàn toàn bị động, với những vẻ đẹp không phô diễn lộ liễu mà lại gợi tình hơn bao giờ hết. Họ đánh thức những dục vọng của đêm. Cho nên, như người phụ nữ trên Facebook đã nói, một phụ nữ chưa có bức ảnh nào được chụp từ phía sau một cách vô tình, là một người phụ nữ chưa bao giờ thực sự được yêu, được vuốt ve, được… nuốt nước bọt. Và như thế nghĩa là cô ấy chưa bao giờ được đối xử như một người phụ nữ đúng nghĩa.
Dĩ nhiên, nếu bạn được cánh đàn ông đi trên đường đối xử như một phụ nữ đúng nghĩa, thì phải can đảm mà quay đầu lại nhìn họ, mỉm cười một cái với họ. Không phải để mồi chài gì các chàng, mà chỉ vì chính mình, tập cho mình đón nhận sự thưởng thức của người khác giới một cách tự tin. Thế thôi.

VTT-st (Báo Tư vấn tiêu dùng)

»» xem thêm

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

BẠN BIẾT GÌ VỀ QUẢ TRỨNG?

Kính thưa 12b...!
Chả là sau gần 8h đồng hồ chén tạc chén thù tại Nada restaurant đến Khánh linh karaoke, trước khi chia tay anh em chúng tôi có tạt vào quán cháo đêm tại Quán Chiền kiếm chút gì cho đỡ rỗng ruột. Lỗ Túc huynh có gọi cho anh em chúng tôi mỗi người 1 bát cháo nóng, còn riêng mình gọi riêng: "chủ quán cho 2 quả trứng trần, gà ta nhá". Lão ta vừa nói vừa húp, sột soạt, loáng cái là xong.
"Ông anh cho thêm bát cháo, không thịt, 2 trứng, tiêu nữa nhá"
Ăn xong rồi cũng là lúc anh em chia tay, vào lại SG tôi nhớ hình ảnh Túc huynh ăn trứng trần quá, nên kiếm được bài này, mải mốt post lên anh em đọc chơi, đọc rồi ngẫm lại: "Xem ra cũng phải học cái lão Lỗ Túc..." (2/5/2012 - VTT)



TRỨNG BỔ DƯỠNG NHƯ THẾ NÀO?
Khi ta ăn một miếng thịt luộc hay rô ti, thì đó chỉ là một phần thịt heo, bò… với vài chục dưỡng chất mà chủ yếu là các acid amin… Còn lại các chất khoáng cần cho xương cốt thì ở phần xương; các sinh tố ở gan, lòng; gelatin cần cho da thì ở da; keratin cần cho lông tóc lại ở sừng bò… mà ta không thể ăn được. Ngược lại, khi ta ăn một quả trứng thì ta hưởng được trọn vẹn hơn 60 dưỡng chất trong quả trứng, mà nếu để ấp sau 21 ngày sẽ nở ra một cá thể gà hay vịt con có đủ da, thịt, xương, lông, cánh… không dư không thiếu một chất nào. Tính bổ dưỡng toàn phần này được chứng minh bằng giá trị sinh học của trứng, nghĩa là lấy lượng nitrogen của protein tăng cân (sinh cơ) chia cho lượng nitrogen của protein trứng được ăn vào sẽ có tỉ số bằng 1, tức là ăn bao nhiêu protein của trứng vào thì sẽ biến bấy nhiêu thành protein cơ thể.
Lấy tỉ số này nhân với 100 ta sẽ có giá trị sinh học của trứng là 100, trong khi của các thực phẩm khác luôn thấp hơn. Protein của trứng hoàn hảo như vậy nên được gọi là protein lý tưởng. Lưu ý trứng ở đây là trứng gà, vịt, cút… ăn cả lòng trắng và lòng đỏ thì mới đạt hiệu quả toàn vẹn được. Để thấy rõ tính chất bổ dưỡng của trứng, người ta phân tích thành phần acid amin trong protein trứng. Chất lượng này được dựa trên sự dồi dào và cân bằng của các acid amin thiết yếu trong protein trứng. Bảng 1 cho ta thấy hàm lượng protein cũng như các acid amin thiết yếu trong trứng rất giàu và có tỉ lệ cân bằng như trong cơ thể con người. Trứng rất giàu sinh tố và khoáng chất mà trên 70% chúng nằm ở lòng đỏ (2 quả trứng gà hay vịt hoặc 10 trứng chim cút đủ cung cấp trên 50% nhu cầu các sinh tố và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể người lớn trong ngày).
TRỨNG GÀ, TRỨNG VỊT, TRỨNG CÚT, TRỨNG LỘN, TRỨNG MUỐI, TRỨNG VỮA… TRỨNG NÀO BỔ HƠN?
Theo nguyên tắc chung: trứng vịt bổ hơn trứng gà vì nó vừa to vừa cùng giá tiền với trứng gà. Hơn nữa vịt thường được thả rong hay lùa đi ăn ngoài đồng nên trứng vịt có nhiều chất bổ dưỡng hơn gà công nghiệp, tuy về mặt cảm quan, trứng gà sạch sẽ hơn và ít tanh hơn trứng vịt (gà đẻ trong chuồng khô sạch; vịt đẻ dưới đất bẩn). Ngoài ra, Vịt thuộc nhóm chim chân màng (vịt, ngỗng, le le, thiên nga) mỡ của nó chứa nhiều acid béo omega-3 có lợi cho tim mạch hơn mỡ gà. Trứng chim cút bổ nhất vì  50% là lòng đỏ, trong khi trứng gà, vịt chỉ có 35-40% là lòng đỏ.
- Trứng càng tươi càng tốt (ở các nước người ta thường ghi ngày đẻ trên mỗi quả trứng), trứng để quá một tuần thì kém chất lượng hơn. Ở Pháp, trứng đã ấp sau 7-10 ngày loại ra chỉ được dùng làm thức ăn gia súc nói gì đến trứng vữa, trứng ung!
- Trứng lộn thì bổ hơn vì đã biến thành phôi dễ tiêu hóa hấp thu, nhưng đôi khi nó dễ gây dị ứng đối với trẻ con dưới 6 tuổi hơn trứng tươi.
- Trứng muối thì ăn được nhưng không bổ dưỡng mấy vì protein đã bị biến chất, sinh tố  bị hủy gần hết và mặn không dùng được nhiều.
- Trứng vữa, trứng ung thì không nên dùng vì protein đã bị biến chất, hơi có độc vì lưu huỳnh trong trứng đã biến thành sulfur hidrogen (mùi trứng thối). Tuy vậy dân nhậu lại thích trứng ung, trứng vữa mà mới đây người ta chứng minh rằng, một H2S hữu cơ lại có tính làm tăng NO giống như Viagra!
- Trứng bách thảo cũng bị biến chất, sinh tố bị giảm nhiều, dùng để ăn chơi lấy hương vị….
 ĂN TRỨNG CÓ BỊ TĂNG CHOLESTEROL KHÔNG?
Bảng cholesterol trong 100g thực phẩm:
Nghêu: 454 mg
Cật heo: 410 mg
Gan heo: 368 mg
Mực ống: 348 mg
Cật bò: 340 mg
Gan bò: 323 mg
Oc heo: 310 mg
Trứng: 266 mg
Mực tươi: 265 mg
Bơ, mỡ bò: 260 mg
Tôm hùm: 200 mg
Thịt bê: 173 mg
Lạp xưởng: 150 mg
Kem (cream)140 mg
Thịt bò nạc: 125 mg
Phô mai: 100 mg
Lòng trắng trứng: 0
Dầu thực vật: 0
Rau quả tươi: 0
Theo bảng 3, trứng không phải là thực phẩm giàu cholesterol lắm. Tuy cholesterol chỉ tập trung ở lòng đỏ trứng, nhưng đây là "cholesterol tốt". Có 2 nhóm cholesterol chính:
-HDL-C (High-Density Lipoprotein cholesterol), cholesterol tỉ trọng cao, còn gọi là cholesterol tốt  và VHDL-C (Cholesterol tỉ trọng rất cao),
-LDL-C (Low-Density Lipoprotein cholesterol) còn gọi cholesterol tỉ trọng thấp, cholesterol xấu và VLDL-C...
Cholesterol trong lòng đỏ trứng nhờ kết nối với glycerol, cholin, phosphor  và các acid béo nhiều nối đôi trong phức hợp gọi là lecithin. Lecithin có đặc tính nhũ tương hóa rất mạnh giúp chất béo hòa tan được trong nước (máu) nên cholesterol hòa vào máu đi đến những chỗ tế bào bị hư hại để sửa chữa lại, nhờ vậy mà cơ thể không bị tổn thương; lượng cholesterol dư thừa lại được dưa về gan sử dụng tạo ra muối mật và các nội tiết tố điều hành cơ thể. Cholesterol như vậy là rất cần thiết cho cơ thể, kể cả cho việc sinh sản tế bào. Đối với trẻ con đang lớn và người lớn đang đang phát triển khối cơ như các vận động viên, nhất là vận động viên thể dục thể hình,  cần tăng nhanh tế bào cơ thì không thể thiếu cholesterol được. Người bình thường và ngay cả người già yếu, cao tuổi vẫn cần cholesterol hàng ngày cho việc sửa chữa tế bào hư hại. Thật ra cholesterol do thực phẩm ăn vào (gọi là cholesterol ngoại sinh) chiếm tỉ lệ không nhiều.

Thường người bị cholesterol máu cao là do cholesterol nội sinh, do gan tạo ra từ thực phẩm giàu acid béo no (không nối đôi, trong mỡ bò, bơ, dầu dừa, dầu cọ, dầu hidrogen hóa như margarin, shortening) và do ta ăn uống không đúng cách (thiếu rau quả tươi, thiếu cholin và các chất hướng mỡ khác), thiếu vận động… Nói chung cholesterol từ trứng không những vô hại mà còn tốt cho cơ thể vì lecithin làm tăng HDL-C và cholesterol nằm trong công thức lecithin được gọi là chất hướng mỡ (lipotropic) giúp cơ thể biến dưỡng chất béo tốt hơn, thuận lợi cho sức khỏe. (Chính tác giả, trong 40 năm nay gần như ngày nào cũng ăn 1 quả trứng luộc (trung bình tuần 5 trứng) mà khi thử máu (lipidogramme) mỗi năm 1 lần, lúc nào lipid máu, cholesterol máu cũng ở trị số normal)
 MỖI NGÀY ĂN ĐƯỢC BAO NHIÊU TRỨNG?
Theo thống kê hàng năm (World Almanac), trung bình mỗi người Mỹ tiêu thụ 300 quả trứng/năm, người Pháp 280 trứng. Nếu muốn có đủ lecithin thì mỗi ngày phải ăn 3 trứng mới đủ cho nhu cầu cơ thể. Nhưng vì ngũ cốc, nhất là đậu mè cũng có lecithin nên mỗi ngày ta nên ăn 1 trứng là vừa. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng từ 5 trứng mỗi tuần. Đối với các vận động viên có thể dùng gấp đôi hay hơn số lượng trên (2-3 trứng mỗi ngày).
NÊN ĂN TRỨNG SỐNG HAY TRỨNG CHÍN? LÒNG TRẮNG HAY LÒNG ĐỎ?
Cơ thể ta không thể tiêu hóa được lòng trắng trứng sống, ngoài ra nó còn chứa chất avidin, ăn sống vào sẽ kết hợp với biotin làm hại sinh tố này. Ngoài ra, lòng trắng trứng sống còn có thể bị nhiễm khuẩn. Do đó ta nên luộc trứng để dùng là tốt nhất. Trứng luộc chín (cả lòng trắng lẫn dòng đỏ) hoặc trứng la cót (luộc cho lòng trắng trứng vừa chín mà lòng đỏ còn mềm) đều bổ dưỡng giống nhau và là cách ăn trứng tốt nhất. Trứng tráng (omelet), trứng ốp la (tráng lòng trắng chín mà lòng đỏ còn mềm) cũng được nhưng hai cách này đều có thêm nhiều dầu mỡ không tốt bằng luộc. Không nên ăn trứng sống, hoặc nếu có thì chỉ dùng lòng đỏ trong các ly "sô đa hột gà sữa" hoặc "sô đa hột gà cam đường" nhưng phải dùng trứng thật tươi và lấy lòng đỏ cẩn thận tránh nhiễm trùng từ vỏ trứng. Từ tháng 8 đến tháng 2 dương lịch năm sau không nên ăn trứng sống kiểu trên để ngừa cúm gà.
 SỮA GÀ MÁI CÓ TỐT KHÔNG?
"Sữa gà mái": đập 1-2 quả trứng gà thật tươi vào một ly lớn, đánh tan đều với ít đường hay mật ong rồi chế nước đang sôi vào (nước phải thật sôi và tối thiểu 200 ml mới làm chín trứng) khuấy đều, ta sẽ có 1 ly trắng đục như sữa nên gọi là sữa gà mái, người lớn tuổi dùng cho bữa điểm tâm, rất bổ dương. Người sợ lên cân cũng có thể điểm tâm bằng sữa gà mái. Mỗi tuần có thể dùng vài ba ly sữa gà mái này nghĩa là không quá 5 trứng/tuần. 
TRỨNG NGÂM GIẤM TRỊ ĐƯỢC BỆNH GÌ?
Có người chế ra kiểu ăn lạ: trứng gà mới đẻ, rửa sạch, rồi dùng gòn thấm cồn 70 lau sạch, để nguyên vỏ, sắp đầy  vào keo lọ rồi đổ giấm thật chua vào cho ngập trứng, để yên trong 10 ngày. Giấm (acid acetic) sẽ làm tan vỏ trứng, (biến carbonat calcium vỏ trứng thành acetat calcium tan trong nước), khuấy đều rồi để dành dùng dần, mỗi ngày tương ứng với vài ba muỗng canh (½ -1 trứng). Có thể thêm một ít mật ong khi dùng. Dùng trứng cách này có thể hưởng được hết các chất khoáng và vi chất dinh dưỡng khác trong vỏ trứng (xem bảng 6), bổ túc dưỡng chất mỗi ngày cũng tốt nhưng một số sinh tố sẽ bị giấm làm hư. Theo kinh nghiệm dân gian thì trứng gà ngâm giấm trị được nhiều bệnh, nhưng theo chúng tôi đây chỉ là thức ăn bổ sung hoặc được coi như thuốc bổ tổng quát mà thôi. Dìmg trứng gà ngâm giấm ở mức độ mỗi ngày vài muỗng canh cũng có cái tốt khác là nếu dùng trong bữa ăn thì giấm cũng giúp cho một số khoáng có hóa trị 2 thành dạng cation như Ca++, Zn++, Fe++ … dễ hấp thu hơn.
TẠI SAO NGƯỜI TA ĐỒN RẰNG CÁC VẬN ĐỘNG VIÊN THỂ DỤC THỂ HÌNH CHỈ ĂN TOÀN LÒNG TRẮNG TRỨNG VÀ BỎ HẾT LÒNG ĐỎ?
Hầu hết chất bổ dưỡng đều nằm trong lòng đỏ trứng. Lòng trắng chỉ có chất đạm (albumin) và mặc dù chất đạm này không chứa cholesterol, không chứa chất béo, nhưng  nếu tách riêng lòng trắng ra thì chất đạm của nó không còn hoàn hảo nữa. Mặc dù các vận động viên thể hình Mỹ đều được các “chuyên gia” của họ khuyên nên dùng lòng trắng không thôi (chế độ tiết thực trước lúc thi đấu để giảm cân: Vận động viên Jay Cutler ăn 26 lòng trắng trứng mỗi ngày, Eddie Robinson 27-34 lòng trắng/ngày, Dennis Newman 21 lòng trắng/ngày, Laura Creavalle 6 lòng trắng/ngày…) nhưng đó là chế độ tiết thực của người Mỹ để giảm mỡ, tăng cơ. Người Mỹ vì đã ăn quá nhiều thịt cá, trứng, sữa, bơ, mỡ như thống kê nói trên nên họ mới dùng lòng trắng trứng như là cách để giảm chất béo và giảm cholesterol. Vã lại lòng trắng trứng là thứ rẻ tiền nhất lại đễ tìm khi đi thi đấu ở xứ khác (ở Mỹ người ta dùng lòng đỏ sấy khô làm lecithin để bán như dược phẩm hoặc thực phẩm bổ sung cho người già (để tăng trí nhớ), người cao huyết áp; còn lòng trắng đóng hộp bán riêng rất rẻ), dễ chế biến nhất nên họ dùng trong những ngày bận rội cho việc chuẩn bị thi đấu mà thôi (thường là 2 trứng nguyên + 6-10 lòng trắng cho một bữa điểm tâm với ít bánh mì và rau).

Trong hoàn cảnh nước ta, các VĐV thể hình đang thiếu dinh dưỡng, việc dùng trứng cả lòng đỏ là nguồn thực phẩm chẳng những bổ dưỡng mà còn rất cần thiết cho việc tăng khối cơ (2-4 trứng cả lòng trắng và lòng đỏ/ngày là rất tốt trong thời gian tập luyện thể hình. Lượng cholesterol trong lòng đỏ không nhiều mà lại còn cần thiết để phát triển tế bào cơ bắp. Vã lại, người thực hành thể dục thể thao tự nó làm cho cholesterol máu thấp dù họ có ăn nhiều cholesterol trong trứng. Thay vì chỉ dùng lòng trắng trứng, các vận động viên thể dục thể hình có thể dùng 2 quả trứng gà vịt hoặc 10 trứng cút nguyên và 300g cá mỗi ngày thì tốt hơn và kinh tế hơn.  
ĂN TRỨNG CÓ HẠI GAN KHÔNG?
Ngày xưa, khi khoa học còn sơ khai, người ta thí nghiệm bằng cách lấy lòng trắng trứng tiêm vào da thỏ thì thấy da thỏ bị phù, nổi mẩn ngứa nên cho rằng trứng gây dị ứng. Và vì thời đó cho dị ứng là do yếu gan nên qui cho trứng là không tốt đối với gan. Gần đây, ở thập niên 1960 trở về trước, các hiểu biết về cholesterol chưa rõ ràng nên thấy lòng đỏ trứng chứa nhiều cholesterol thì cho là trứng không tốt. Thật ra từ đầu thập niên 80 đến nay người ta đã chứng minh cholesterol của trứng là cholesterol tốt và trứng chẳng những không hại gan mà còn có lợi cho gan nữa vì cholin bảo vệ gan. Thật vậy, với thành phần acid amin cân bằng và giá trị sinh học cao nhất trong các thực phẩm (bảng 1 và 2), thì trứng tốt cho gan. Protein trứng giàu methionin và lecithin là chất bảo vệ gan, giải độc gan mà Tây y dùng làm thuốc Methionin cho bệnh nhân đau gan. Cholin rất giàu trong lòng đỏ trứng là chất hướng mỡ giúp gan biến dưỡng chất béo dễ dàng hơn tránh tình trạng gan nhiễm mỡ (thuốc tây có viên Sulfarlem-choline là thuốc trợ gan nổi tiếng một thời)… Gan cũng biến cholin thành acetylcholin là chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong hoạt động của hệ thần kinh cũng như làm tăng trí nhớ của chúng ta. Ngoài ra các sinh tố trong lòng đỏ trứng cũng giúp gan làm việc tốt hơn. Khoa học ngày càng tiến bộ, giúp chúng ta rất nhiều điều, nhưng hiểu biết của mỗi người có giới hạn nhưng họ lại biến nó thành định kiến, truyền đi, truyền lại cho nên mới có sự hiểu lầm đáng tiếc nêu trên!
ĂN TRỨNG CÓ NÓNG KHÔNG? CÓ KHÓ TIÊU KHÔNG?
Cảm giác nóng hay mát đối với một thức ăn còn rất mơ hồ. Nếu người nội trợ ít khi đi chợ, chỉ mua trứng về để dành rồi ngày nào cũng trứng, hết trứng luộc dằm nước mắm, đến trứng chiên, trứng tráng, trứng ốp la… thì trứng nóng thiệt nhưng nóng vì thiếu rau quả tươi, vì thực phẩm không đa dạng, nóng vì nhiều dầu mỡ chiên trứng chứ không phải vì trứng. Bản thân trứng đã có nhiều chất béo (trứng gà chứa 11% và trứng vịt 14% chất béo), nếu còn chiên rán, ốp la thì còn thêm nhiều dầu mỡ hơn nữa nên ăn vào có cảm giác no lâu chứ không phải nóng. Vì thức ăn có nhiều chất béo sẽ lưu lại ở dạ dày lâu hơn thức ăn không béo chứ không phải là khó tiêu. Ngoài ra, chất bổ nào cũng vậy, khả năng dung nhận của cơ thể mỗi người đều có giới hạn nhất định. Có người ăn một lúc 3-4 trứng không sao nhưng có người ăn 1 trứng đã thấy khó chịu, nhưng đôi khi cũng do thành kiến hay định kiến chứ chưa hẵn như vậy. Chỉ có đối với người nào có cơ địa dị ứng với trứng (ăn trứng vào thì bị ngứa ngáy, nổi mề đay mới cử trứng mà thôi. Một số trẻ con dưới 3 tuổi vì chức năng gan chưa hòan chỉnh, ăn trứng có thể dễ bị dị ứng, nhưng sau 5-6 tuổi thì ăn không bị gì nữa.
Tóm lại, trứng gà, vịt, cút là thực phẩm rất cân bằng dưỡng chất, cần thiết cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng, nhất là trẻ con, vận động viên và học sinh, sinh viên, người lao động trí óc và cả phụ nữ có thai, cho con bú  nữa, rất cần trứng. Nếu dùng thường xuyên thì mỗi ngày nên ăn 1 trứng và 5 ngày mỗi tuần là rất tốt. Phụ nữ mang thai nên ăn mỗi ngày 1 trứng (5 ngày/tuần) thì não bộ bào thai phát triển rất tốt, sau này bé sẽ thông minh hơn con các bà mẹ không ăn trứng.
THẾ NÀO LÀ TRỨNG TƯƠI?
Điều hiển nhiên là trứng càng tươi càng tốt về mặt dinh dưỡng. Trên thị trường thế giới, trứng gà, vịt được gói trong một tờ giấy xốp, trên đó có ghi “trứng tươi” (frais), “trứng thật tươi” (extra-frais), thậm chí còn ghi ngày gà đẻ trên trứng (pond le…) và được xác nhận của hiệp hội chăn nuôi nữa; trứng này thuộc loại tươi hơn hết. Cũng còn có sự phân biệt trứng gà thả rong, gà nuôi trong sân (và không ghi gì cả là gà nhốt chuồng)...Thật ra các nhà nghiên cứu cũng đã xác nhận rằng thành phần dưỡng chất trong trứng không những suy giảm theo thời gian tồn trữ, cách bảo quản mà còn thay đổi tùy theo giống gà, thức ăn mà gà đẻ đang ăn và tuổi của gà mái... Về mặt trứng tươi, có thể giữ được dưỡng chất nguyên vẹn hoặc gần nguyên vẹn trong nhiều tháng nếu vỏ trứng còn nguyên vẹn (chẳng những không bể nứt mà còn không được chùi rửa mất lớp phấn nhầy bảo vệ tự nhiên của nó) và được giữ mát ở 12 – 15oC kể từ lúc gà vừa đẻ ra.

Với hai điều kiện trên chỉ có những trại gà đại công nghiệp mới đáp ứng được. Ơ Pháp muốn được gọi là trứng ghi ngày có xác nhận (daté approuvé) phải có một hợp đồng ký giữa nhà chăn nuôi, người phân phối và hội người tiêu dùng, trong đó gà mái được nuôi với ít nhất là 65% ngũ cốc (chủ yếu là bắp để lòng đỏ trứng có màu đỏ cam), trứng được vô bao bì và chuyển tới tiệm buôn chậm nhất là 36 giờ kể từ lúc gà đẻ và bảo quản ở dưới 18oC. Ta biết rằng trứng gà mới đẻ luôn có một lớp màng bảo vệ để giữ cho từ 1.000 – 15.000 lổ nhỏ li ti quanh mỗi vỏ trứng được thông khí qua lại, đáp ứng sự hô hấp của trứng nhưng không cho vi trùng xâm nhập. Để đáp ứng điều này, lớp nhầy bên ngoài và bên trong trứng còn có chất kháng sinh tự nhiên (lysozym) nữa. Lúc trứng mới đẻ, buồng khí ở đầu to của trứng rất nhỏ, dưới 2 mm vuông, trứng rất tươi 4mm, trứng tươi 6mm và từ  9mm trở lên là trứng đã để lâu (tiêu chuẩn ở Pháp).
Trứng mới đẻ thì khi đập vỡ nhẹ ta tách lòng đỏ khỏi lòng trắng dễ dàng, và dây treo lòng đỏ ở hai đầu trứng rất xoắn. Khi để lâu, có sự thoát khí carbonic ra ngoài nên khiến lòng trắng trở nên kiềm (trứng mới pH = 7,4), có thể lên pH = 9, khiến lòng trắng bị nhão mềm hơn. Do đó ở Mỹ người ta dùng tiêu chuẩn này để đánh giá độ tươi của trứng. Đập vỡ trứng nhẹ nhàng và để khối trứng không vỏ trên mặt phẳng nằm ngang và đo chiều cao chỗ lòng trắng phía đầu lớn (chỗ mũi tên trong hình). Lòng trắng mềm còn do sự rút nước từ lòng đỏ và làm hư hủy màng ngoài của lòng đỏ khiến nó dính chặt vào lòng trắng hơn (khó tách ra). Gà mái già cũng cho trứng có chiều cao lòng trắng thấp. Thật ra giá trị của trứng ngày nay còn được các nhà chăn nuôi tiên tiến điều chỉnh sao cho có nhiều sinh tố A, D, E, K nữa. Trứng đã ấp sau 6 ngày sẽ được soi qua máy chiếu để loại trứng ung, trứng không có còi.
Ngày trước, những trứng ung sau 13 ngày ấp được chuyển qua làm bánh kẹo, kem hay sản phẩm có trứng, sữa. Nhưng nay các nước tiên tiến chỉ dùng trứng ung ấy làm thức ăn gia súc vì phát hiện có những chất độc có hại cho sức khỏe. Ơ Mỹ và Canada trứng ung bị cấm sử dụng làm thực phẩm cho người từ lâu vì người ta tìm thấy trong trứng ung có chất acid lactic (không độc) và acid succinic làm chuột chết với liều 8mg/kg, và acid beta hydroxybutyric. Do đó luật lệ ở Mỹ và Pháp sẽ xử phạt các sản phẩm có chứa quá 0,3mg acid beta hydroxybutyric/kg trứng. Để tránh sự thiệt hại kinh tế này, các nhà ấp trứng sử dụng loại máy soi để loại trứng không có còi ra vào ngày thứ 6 sau khi ấp trứng để acid beta hydroxybutyric chưa vượt tiêu chuẩn trên.
ĂN TRỨNG CÓ NGUY CƠ CAO BỊ LÂY CÚM GIA CẦM KHÔNG?
Thông thường khi gà vịt bị bệnh dịch thì chúng không đẻ được. Nhưng nếu siêu vi khuẩn cúm gia cầm từ những con khác gần đó có truyền sang trứng thì siêu vi cũng sẽ bị chết sau 12 giờ, vì ngoài vỏ trứng luôn có chất nhầy bảo vệ có tính diệt khuẩn. Mặt khác, nếu con gia cầm bị toi mà ráng đẻ được trứng sau cùng thì trứng này có thể bị nhiễm siêu vi. Thế nhưng số ít siêu vi ấy dù có ở bên trong quả trứng thì cũng sẽ nhanh chóng bị lòng trắng có tính kháng sinh hủy diệt và nếu không bị diệt thì không sinh sôi phát triển được vì tế bào trứng chưa hoạt động. Chúng ta biết rằng trứng gà vịt khi chưa ấp thì tế bào chưa hoạt động. Mà đa dố trứng gà đều không có trống, có nghĩa là nó là cái noản chứ không phải là tế bào. Siêu vi khuẩn là những tế bào chưa hoàn chỉnh, chúng không thể tự sinh sản được mà chúng chỉ thâm nhập vào tế bào sống và bắt tế bào ấy làm cái máy sinh sản giúp ra các thế hệ sau của siêu vi. Như vậy chỉ ở các trứng được ấp thì siêu vi nếu có bên trong trứng mới sinh sản được mà thôi. Thế nhưng người ta chỉ ăn trứng lộn sau khi được luộc chín thì siêu vi nếu có cũng không còn. Do đó cơ hội bị lây siêu vi cúm gia cầm qua việc dùng trứng là rất hi hữu.
»» xem thêm