Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Ba bảo bối của ông Lê Đức Thọ

Ông Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, người Nam Vân xã mình. Hồi bé mình có ông chú làm bí thư đảng ủy xã, thỉnh thoảng lễ tết lại thấy chú đi Hà Nội, khi về thế nào cũng có quà, mình nhớ nhất là có lần chú mang về chai nước mắm Phú Quốc, nói là quà của bác Thọ, từ đó biết bác Thọ. Nước mắm Phú Quốc xịn ngon thật, mầu trắng vàng nhạt, rơi hạn cơm vào thì nổi lềnh bềnh chứ không chìm như nước mắm thường, mở nút ra thơm lừng cả nhà. Mình đọc đâu đó nói rằng ông quê gốc Đức Thọ, Hà Tĩnh, vì thế mới lấy bí danh Đức Thọ. Có quá nhiều chuyện xung quanh ông và gia đình của ông. Thực hư như thế nào thì… chỉ có trời mới biết. Tuy nhiên, qua bài này thì thấy ông quả là một nhà chính trị lão luyện.
PQN


Ba bảo bối của ông Lê Đức Thọ

Lê Mai


Năm 1967, cuộc chiến giữa VN và người Mỹ tiếp tục leo thang. Ngay từ đầu năm, các cuộc hành quân Cedar Fall, Junction city đã được người Mỹ tiến hành. Giữa năm, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi với câu nói nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Mùa xuân năm ấy, Hồ Chí Minh làm thơ chúc Tết cả nước với những vần thơ đẹp:
Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa
“Nhận được bài thơ Bác gửi về, chúng tôi chuyền tay nhau xem” – Lê Đức Thọ viết thư gửi Hồ Chí Minh. Ta có thể hiểu, bài thơ ấy được Hồ Chí Minh làm ở nước ngoài, gửi về cho các nhà lãnh đạo trong nước.
Và đây là bài họa của Lê Đức Thọ:
Đánh Mỹ hai miền vẫn mạnh thôi
Ngày vui thắng lợi chắc tay rồi
Nghe tin hiểu Bác càng thêm mạnh
Nhớ nước đêm này dạ sục sôi
Lê Đức Thọ không họa “nguyên vận” bài thơ. Điểm đặc biệt, bài họa có hai chữ “mạnh”. “Đánh Mỹ hai miền vẫn mạnh thôi” nghe như một lời giải thích, một câu trả lời. Thắng lợi “chắc tay” hay chưa – đợi sang năm 1968, một cuộc Tổng tiến công được mở ra khắp miền Nam sẽ rõ. Đến thời điểm ấy, Hồ Chí Minh vẫn ở TQ chữa bệnh.
Ngoài bài họa, Lê Đức Thọ còn làm thêm một bài chúc thọ Hồ Chí Minh:
Bẩy bẩy xuân qua hẳn đã già?
Tinh thần ngày một trẻ thêm ra
Non sông đáp lại lời kêu gọi
Chiến thắng xin mừng Bác ở xa
Sau đợt hai của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, Lê Đức Thọ được Hồ Chí Minh gọi ra Bắc để đi Pari làm cố vấn đặc biệt cho phái đoàn VNDCCH tại cuộc hòa đàm Pari. Tháng chín năm ấy, Lê Đức Thọ viết thư cho Hồ Chí Minh:
“Bác kính yêu,
Ở bên này xa Tổ quốc, nhớ Bác nhớ miền Nam rất nhiều…Bây giờ bắt đầu vào cuộc nói chuyện riêng với Mỹ nên đầu óc khá căng thẳng nhưng tôi cũng như anh Xuân sức khỏe cũng bình thường…Công việc khá phức tạp, không phải không có thiếu sót nhưng hứa với Bác chúng tôi hết sức cố gắng. Càng nhớ đến Bác và chiến sỹ đồng bào miền Nam bao nhiêu càng phải nỗ lực bấy nhiêu để đạt được kết quả tốt nhất trên bàn hội nghị.
Bận mấy nhưng anh Xuân còn nghĩ ra được những vần thơ còn tôi thì cứ suy nghĩ hết phương án này đến phương án nọ không sao nghĩ được vần thơ nào…”
Cuộc đàm phán Pari về VN gay go, phức tạp như thế nào, ai cũng đã biết. Đối thủ chính của Tiến sỹ Kissinger tại Pari là Lê Đức Thọ. Kissinger viết: “Tóc hoa râm, đường bệ, Lê Đức Thọ bao giờ cũng mặc bộ đại cán màu xám hoặc ma-rông. Đôi mắt to và sáng, ít khi để lộ sự cuồng tín đã thúc đẩy ông hồi mười sáu tuổi đi theo phong trào du kích cộng sản chống Pháp. Ông bao giờ cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được, trừ một hai lần. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách tận tụy và khéo léo”.
Kissinger rất ngán các “bài giảng chính trị” của Lê Đức Thọ. Trong khi Lê Đức Thọ và Xuân Thủy lại cho đó là “gót chân Asin” của Kissinger nên cứ khoét sâu vào. Hai ông đã nhiều lần khéo léo nói khích để Kissinger bật ra điều mà hai ông cần biết. Kissinger dường như tin rằng chìa khóa để giải quyết vấn đề VN là ở Mátxcơva và Bắc Kinh.
- Ngài cố vấn qua Bắc Kinh, Mátxcơva, chắc đã được các bạn của ngài thông báo về ý kiến của chúng tôi trong đợt đàm phán này. Kissinger khiêu khích.
- Bạn chúng tôi ủng hộ chúng tôi, nhưng không làm thay chúng tôi. Mấy năm qua các ông cứ chạy vay chỗ này chỗ kia, chỉ làm phức tạp thêm vấn đề. Trong một ván cờ, quyết định thắng thua phải là người trong cuộc, không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết vấn đề của chúng tôi. Lê Đức Thọ trả lời.
Năm 1972, TQ mở đột phá khẩu trong quan hệ với Mỹ bằng chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nixon, với Thông cáo Thượng Hải nổi tiếng. Một buổi sáng, Lê Đức Thọ gọi Hồng Hà tới, với vẻ mặt tức giận, ông phân tích sự xảo quyệt và thâm độc của Nixon. Tiếp đó, ông lệnh cho Hồng Hà, trong vòng một tiếng đồng hồ, tổ chức cho ông đi thăm triển lãm điêu khắc dân gian VN tại Bảo tàng Mỹ Thuật VN. Rồi Lê Đức Thọ dõng dạc trước các cán bộ, nhân viên bảo tàng:
- Những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian trưng bày ở đây thể hiện phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta mà ngày nay chúng ta đang kế thừa và phát huy đến mức độ cao. Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta luôn giữ một phong thái bình tĩnh, lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng.
Phát biểu trên của Lê Đức Thọ nhanh chóng xuất hiện trên báo chí VN. Đó là cách mà Lê Đức Thọ trả lời cho Nixon biết thái độ của VN.
Nguyễn Cơ Thạch kể lại, Lê Đức Thọ có ba bảo bối mà Kissinger rất ngại.
Thứ nhất, đem lọ dầu cù là ra bôi. Khi Kissinger nói quá, không chịu được, Lê Đức Thọ nghe mệt, lại đem lọ dầu cù là xoa vào mũi. Thấy vậy, Kissinger kêu lên, “trời ơi, ông lại mang lọ dầu ra xoa và lại sắp tấn công tôi”. Lê Đức Thọ xoa dầu là bị mệt, mà mệt là ông ta lại nổi khùng lên!
Thứ hai, khi Lê Đức Thọ mệt, thường hay gọi lấy cốc nước sâm ra uống. Kissinger nghĩ chắc là thứ nước bổ gì đây. Cho nên, mỗi lần thấy như vậy, ông Tiến sỹ lại kêu: “Trời ơi, lại mang cốc nước ấy ra!”
Thứ ba, cứ mỗi lần sắp nổi khùng lên là Lê Đức Thọ cầm chiếc bút chì vừa nói vừa chỉ, vì vậy, hễ thấy ông Thọ cầm bút chì lên là Kissiger kêu “trời”!
Khi Kissinger thông báo, Sài Gòn sẽ không ký, Lê Đức Thọ nói với Kissinger: “Năm năm nay không bao giờ ông để tôi tin ông lấy một lời. Ông hứa danh dự rồi chính ông lại dí ngay lời hứa đó xuống chân ông. Ông lật lọng hết mức”.
Kissinger bực lên và đáp:”Ông nói là lời của tôi vô giá trị, thế thì ngồi đây đàm phán làm gì. Tôi phải tính đến chuyện lần sau để người khác đàm phán với ông, tôi với ông không đàm phán với nhau nữa”.
Kể cũng lạ, đi đàm phán với đối phương là giáo sư Đại học Harvard lừng danh mà Lê Đức Thọ nhiều khi ứng xử như với cán bộ của mình, nghĩa là tiếng oang oang, chỉ mặt lên tay, thậm chí còn nói thẳng ra rằng Kissinger là kẻ nói láo!
Một hôm, trước bữa nghỉ ăn trưa, Kissinger nói với Lê Đức Thọ:
- Hiện giờ ông cố vấn đàm phán với tôi thì ông nói như mắng tôi; sau này kết thúc đàm phán, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình rồi, thì ông mắng ai?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét